Friday, February 11, 2011

Tiến sĩ Lê Thẩm Dương: Kinh tế năm 2011, trong khó khăn vẫn có những điểm “hồng”...

Nguồn: http://www.baobinhduong.org.vn/newsdetails.aspx?newsid=24740
Cập nhật ngày: 27/01/2011 09:11:19
 
 TS Lê Thẩm Dương
Năm 2010, nền kinh tế gặp không ít khó khăn nhưng dù sao cũng đã vượt qua. Năm 2011 được dự báo vẫn tiếp tục khó khăn, tuy nhiên trong khó khăn cũng có những điểm “hồng”. Nhân dịp xuân về, P.V Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với TS Lê Thẩm Dương (Đại học Ngân hàng TP.HCM) xung quanh dự báo tình hình kinh tế năm 2011.

Theo TS Lê Thẩm Dương, cơ sở để đưa ra dự báo tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2011 chính là các tác nhân như môi trường thế giới, trong nước và vận hành nền kinh tế. Đến đầu năm 2011 kinh tế thế giới tiếp tục không thuận lợi, khủng hoảng thất nghiệp, an sinh và tiềm ẩn khủng hoảng chính trị của các nước khá xấu... Từ hệ quả đó, người dân phải nhảy vào vàng để “trú ẩn” nên giá tăng vọt. Thế giới còn tiếp thêm một “cú sốc” chiến tranh tiền tệ, đồng loạt các nước phá giá đồng tiền. Kết quả, một loạt quốc gia thiệt hại, một số lại hưởng lợi nên môi trường của năm 2011 sẽ tiếp tục không ổn. Tuy nhiên, bên cạnh những tác nhân thế giới không thuận lợi thì đổi lại cũng có những tín hiệu hồng.
 
Doanh nghiệp phải xem khủng hoảng là cơ hội. (Trong ảnh: Hoa Sen Group là một điển hình trong nỗ lực giữ vững sản xuất, vượt qua suy thoái của kinh tế thế giới)
- Vậy tín hiệu hồng đó là gì thưa TS?
- Tín hiệu hồng là ở chỗ tốc độ cải thiện khủng hoảng là tốc độ dương, mặc dù góc “anpha” rất thấp, nhưng vẫn là cải thiện lên chứ không phải cải thiện xuống, vì thế giá vàng đang bắt đầu chựng lại, sản xuất ở các nước vào mùa Giáng sinh cũng báo hiệu GDP đều dương. Xét một cách tổng quát, điểm hồng của năm 2011 là không khó khăn hơn năm 2010. Các chuyên gia thế giới đánh giá trường hợp xấu nhất thì năm 2011 GDP của Việt Nam cũng phải đạt từ 7 - 7,5%.
- Có những yếu tố thuận lợi nào đối với nền kinh tế của Việt Nam trong năm 2011?
- Về mặt chính sách thì trông chờ vào Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, khi tháo được cái gốc thì lập tức chính sách có được sự căn cơ, đó là hy vọng mang tính điểm đỏ. Thuận lợi của năm 2011 vĩ đại hơn năm 2010 vì có Đại hội XI, năm đầu triển khai nghị quyết của đại hội, khởi động cho một giai đoạn đổi mới. Kinh nghiệm trong 4 năm qua cũng cho ta một thuận lợi trong điều hành và Nghị quyết 60 ra đời (mỗi “đại gia” chỉ được góp vốn vào một ngân hàng). Tín hiệu ở từng mặt là chính sách bắt đầu có sự dài hơi.
- Điểm khó nhất của năm 2011 là gì?
Trao đổi về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, TS Dương cho biết nếu xem như mọi dữ kiện bằng nhau; nguồn lực, lợi thế bằng nhau, thì Bình Dương đang chiếm ưu thế. Ai cũng thấy Bình Dương, Đà Nẵng và Vĩnh Phúc là những địa phương có sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền nên có sự phát triển vượt bậc. Cho nên nhân tố con người, đặc biệt là vai trò của người lãnh đạo là vô cùng quan trọng, sức mạnh từ đường lối và sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh sẽ là lời giải cho tính hiệu quả. Nói cách khác là phải có “đầu tàu” mạnh và phía đuôi tàu phải có “sức đẩy” khỏe thì mới phát triển bền vững. Người Bình Dương hiền hòa, động lực sản xuất tốt hơn nhiều tỉnh, thành khác nên rất thuận lợi. Việc Bình Dương quy hoạch thành phố mới là một bước “cách mạng” hướng tới sự phát triển bền vững, đang gây chấn động dư luận.

 - Đó là các công cụ điều hành nền kinh tế đến nay vẫn chưa căn cơ được. Để kéo lạm phát xuống, gia tăng nền kinh tế, gia tăng hiệu suất đầu tư thì dùng hành chính hay dùng “đòn” kinh tế thì nay vẫn chưa rõ. Chẳng hạn, tỷ giá lên 21,5 muốn “đè” xuống bằng hành chính không khó nhưng như thế thì đã can thiệp vào thị trường và có thể làm thị trường bị méo mó. Trong khi, để theo thị trường thì tỷ giá lại “nhảy” hoàn toàn không theo ý đồ. Theo nhận định của tôi thì năm 2011 vẫn chưa thể thoát ra được cái vòng luẩn quẩn này, phải có kinh nghiệm, hội thảo, chứng minh và có trả giá thì mới hoàn thiện được.
Hành chính không phải là xấu nhưng liều lượng hành chính đến đâu và ở mặt nào thì hợp lý? Quan tâm nhất chính là tính nhất quán, tính ổn định của chính sách chứ không hẳn là cứ thị trường. Điển hình như nước Mỹ hoàn toàn dùng phương pháp kinh tế thị trường nhưng khủng hoảng vừa rồi cũng phải dùng đến biện pháp hành chính. Các chính sách của Việt Nam từ năm 2007 đến 2010 đều giải quyết theo bài toán tình huống chứ chưa thật rõ ràng, dài hơi, căn cơ. Lúng túng trong xử lý sự cố đã dẫn đến trễ và loay hoay giữa công cụ thị trường và công cụ hành chính.
Năm 2010, Việt Nam nỗ lực rất nhiều để cứu lạm phát và các giải pháp cứu này sẽ có tác động đến năm 2011. Đầu tiên là giải pháp cắt giảm chi tiêu công, hạn chế nợ công và ngay lập tức đầu tư bị hãm lại. “Đòn” thứ hai của mình tung ra là nâng lãi suất nên một loạt doanh nghiệp (DN) những tháng đầu không ảnh hưởng gì, tháng tiếp theo vẫn trụ được nhưng đến tháng 1-2011 thì sẽ lao đao. Giải pháp thứ ba là kiềm giá nhưng mặt trái của kiềm giá cũng có. Cho nên đến tháng 1-2011, nền kinh tế sẽ chịu ảnh hưởng của chính sách đưa ra từ trong năm 2010 và ảnh hưởng thì bao giờ cũng có độ trễ. Ngoài ra, nợ công và bội chi của Việt Nam cũng đã tới ngưỡng nên năm 2011 khá khó khăn. Năm 2011, giá vàng khó lòng xuống, đồng USD sẽ dịch chuyển về mặt giá trị, cung cầu ngoại tệ mình chưa làm chủ được vì mình còn nhập siêu.
- Nên điều hành tỷ giá như thế nào cho hợp lý?
- Về điều hành tỷ giá chỉ có các công cụ, một là hành chính, hai là kinh tế và thứ ba là kết hợp. Theo tôi, thả lỏng tỷ giá nhưng phải có điều tiết và hiện nay mình cũng đang thả có điều tiết.
- TS có thể đưa ra kịch bản cho năm 2011?
- Kịch bản thứ nhất là giống năm 2010, kịch bản thứ hai là nền kinh tế sẽ được cải thiện ở một mức dương, vàng, chứng khoán sẽ được cải thiện theo hướng đó. Kịch bản kỳ vọng thứ ba là kịch bản đột biến. Tuy nhiên, tôi nghiêng về kịch bản thứ hai.
- TS có lời khuyên gì cho các DN?
Các DN không nên quá hoảng sợ, luôn nhìn khủng hoảng như một cơ hội, khi nhìn nó là cơ hội thì hành vi của mình rất sáng sủa. Trong nền kinh tế cơ hội làm giàu thật nhanh thực ra chỉ nằm trong một hai trường hợp: đất nước có chiến tranh hoặc có khủng hoảng. Còn bình thường chỉ có thu lợi nhuận bình quân. Những ngày hôm nay và 3 năm tiếp theo thì DN nên lấy phòng thủ làm yếu tố quan trọng, không nên mải mê tấn công. Đưa ra các giải pháp hạn chế rủi ro để trụ vững trong mọi hoàn cảnh như: mục tiêu lợi nhuận thấp, quỹ dự phòng lớn, tái cấu trúc DN như sở hữu, nhân sự, quy trình và tái công nghệ. Thời điểm này chính là thời điểm các DN cần phải tận dụng cơ hội, điển hình là máy móc thiết bị hiện nay rất rẻ, tuyển nhân sự cấp cao dễ, mua người giá rẻ nhưng chất lượng cao và mua gì cũng rẻ. Thậm chí DN có thể đặt lợi nhuận bằng không để duy trì, lấy mục tiêu tái cấu trúc làm đầu và khi nền kinh tế tốt lên thì sẽ phất ngay.
- Xin cám ơn TS!
 TRUNG ĐỒNG (thực hiện)

No comments:

Post a Comment